Điều này đã hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bài viết sau đây sẽ đi vào phân tích những vấn đề cơ bản của CNPT, từ đó soi rọi vào thực trạng nền CNPT Việt Nam để tìm ra nguyên nhân của sự yếu kém trên và đưa ra những giải pháp phát triển cho các ngành CNPT Việt Nam.
I/ Những vấn đề cơ bản của công nghiệp phụ trợ
1. Khái niệm
Thuật ngữ “công nghiệp phụ trợ” (CNPT) được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả nước phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một khái niệm chung nhất đối với thuật ngữ này. Tùy theo từng hoàn cảnh, mục đích sử dụng mà mỗi quốc gia đều có cách định nghĩa riêng về CNPT. Ở Việt Nam, kể từ khi thuật ngữ “Công nghiệp phụ trợ” được nhắc đến trong Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, chính thức thông qua vào năm 2003, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn FDI, người ta mới bàn luận nhiều về ngành công nghiệp này. Có thể hiểu một cách khái quát về CNPT (trong phạm vi các ngành phụ trợ cho công nghiệp lắp ráp) như sau: “CNPT là ngành sản xuất linh phụ kiện và thực hiện quá trình hỗ trợ việc sản xuất các linh phụ kiện đó,ví dụ như cán, ép, dập khuôn...”
2. Những nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển của CNPT
Sự phát triển của CNPT phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trước hết phải kể đến quy mô cầu (hay dung lượng thị trường). Điều này xuất phát từ thực tế rằng ngành CNPT là ngành đòi hỏi nhiều vốn và công nghệ hiện đại. Để giảm thiểu chi phí trên một đơn vị sản phẩm, các doanh nghiệp phải tính đến lợi thế kinh tế nhờ quy mô (ecnonomy of scale). Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư muốn đảm bảo một thị trường có dung lượng lớn (hoặc ít ra có tiềm năng dung lượng lớn trong tương lai) trước khi ra quyết định đầu tư. Thứ hai, tình trạng thiếu thông tin và sự chênh lệch về tiêu chuẩn chất lượng giữa nhà cung cấp linh phụ kiện và các doanh nghiệp lắp ráp cũng là các nhân tố cản trở sự phát triển của ngành CNPT. Thứ ba là yếu tố nguồn nhân lực. Hiện nay đa phần cho rằng nguồn nhân lực có trình độ cao còn quan trọng hơn máy móc hiện đại. Các chuyên gia Nhật Bản cho biết nếu chỉ đơn thuần dựa vào máy móc dây chuyền thì sẽ không tạo ra khả năng cạnh tranh quốc tế vì các quốc gia đều có thể sở hữu chúng. Do vậy, điểm làm nên điều khác biệt chính là đội ngũ nhân công có tay nghề cao vì họ chính là những người trực tiếp vận hành, cải tiến máy móc, phát minh ra những phương pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Ngoài ra, những chính sách của chính phủ như chính sách thuế ( giảm thuế và ưu đãi về thuế) và các chính sách hỗ trợ khác (hỗ trợ công nghệ, tài chính, đào tạo...) là công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy CNPT phát triển.
Như vậy, từ việc xem xét những vấn đề cơ bản của CNPT , soi rọi vào thực tiễn phát triển các ngành CNPT ở Việt Nam, có thể thấy những vấn đề tồn tại như sau:
II/ Thực trạng công nghiệp phụ trợ Việt Nam
1. Thực trạng chung
Có thể nói rằng ngành CNPT Việt Nam còn rất yếu kém. Theo ước tính của Bộ Công nghiệp, ngành CNPT hiện lệ thuộc đến gần 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thực trạng này là do các doanh nghiệp Việt Nam không muốn đầu tư nhà xưởng vì lâu thu hồi vốn, họ chỉ thích nhập về bán lại thu lợi nhuận.
Trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã tiếp cận khá thuận lợi nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ lỡ một cơ hội lớn là trong khi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào mạnh thì khả năng hấp thụ, tiếp thu chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại hạn chế. Lý do chính là Việt Nam thiếu vắng hẳn một nền CNPT. Có quá ít doanh nghiệp Việt Nam làm CNPT, nếu có thì chủ yếu tham gia khâu đóng gói, bao bì. Hiện tại, phần lớn các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho các công ty nước ngoài chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng giữa các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước khá lớn. Doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa nên khả năng đáp ứng về yêu cầu chất lượng kém.
Các doanh nghiệp quốc doanh trong ngành CNPT vẫn duy trì phong cách làm ăn tự cung tự cấp. Thực tế, Việt Nam có rất ít thông tin liên kết thầu phụ công nghiệp. Vì vậy, không tìm kiếm được những thông tin về khả năng giao thầu của doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp nước ngoài và ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài cũng ít thông tin về doanh nghiệp Việt Nam. Thêm nữa, các doanh nghiệp nước ngoài thực sự ngần ngại khi phải ký kết hợp đồng thương mại với các nhà thầu phụ Việt Nam do môi trường pháp lý chưa thực sự thuận lợi. Vấn đề chính là nỗi lo sợ khi bị phá vỡ hợp đồng. Các nhà cung ứng Việt Nam thiếu hiểu biết về các khía cạnh pháp lý của hợp đồng. Bên cạnh đó, việc liên kết doanh nghiệp có ý nghĩa về mặt nâng cao khả năng cạnh tranh trong nội bộ ngành, sử dụng lợi thế cạnh tranh của khu vực, khai thác chuỗi giá trị để tạo nên sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. ở nhiều nước, việc liên kết này có thể hình thành thông qua việc phát triển các cụm công nghiệp. Trên thực tế, ở Việt Nam các cụm công nghiệp được hình thành thiếu quy hoạch tổng thể, chủ yếu để giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất hơn là việc tạo nên chuỗi giá trị thông qua việc liên kết doanh nghiệp, kể cả sử dụng các dịch vụ tài chính và phi tài chính để khai thác lợi thế cạnh tranh.
2. Thực trạng từng ngành
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành CNPT ở nước ta chỉ mới thành công ở lĩnh vực sản xuất xe máy và điện gia dụng. Những ngành còn lại chỉ đạt đến mức độ gia công giai đoạn cuối của sản phẩm. Vì thế mà CNPT Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào sản phẩm linh kiện từ nước ngoài. Nội dung phần này chỉ đi sâu phân tích hai ngành CNPT : xe máy và ô tô.
2.1. Thực trạng ngành xe máy
Ngành xe máy có thể xem là đạt được tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong các ngành. Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ nội địa hóa đạt được xấp xỉ 70-75%, các doanh nghiệp trong nước tỷ lệ đạt có thấp hơn nhưng so với các ngành khác như ô tô, dệt may…, có thể coi đây là một tiến bộ trong việc phát triển ngành CNPT.
Sau khi qui định về tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu được bãi bỏ, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp sẽ tập trung vào lắp ráp mà không đầu tư vào sản xuất linh kiện để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, thực tế ngành công nghiệp xe máy Việt Nam đã chứng minh điều ngược lại. Quy định tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu là 20%, nhưng trên thực tế tỷ lệ nội địa hóa mà đa số doanh nghiệp đạt được cho tới nay thấp nhất là 60%. Điều này là dễ hiểu, vì thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện còn ở mức tương đối cao từ 30-50% nên doanh nghiệp phải tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để giảm giá thành sản phẩm. Dự kiến, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng nữa, vì nhiều doanh nghiệp FDI sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới này.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành CNPT xe máy còn tồn tại nhiều vấn đề. Sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNPT cho xe máy chỉ là các chi tiết linh kiện sản xuất với kỹ thuật công nghệ đơn giản như: giảm xóc, đồng hồ báo xăng, bộ dây điện, yên xe. Chưa có doanh nghiệp nào sản xuất các bộ phận chính quan trọng đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao như động cơ, hộp…
Về số lượng các nhà sản xuất linh kiện nội địa: Năm 2003, số doanh nghiệp tham gia lắp ráp và sản xuất phụ tùng là 8 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngoài ra có 52 doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe máy trong nước (trong đó có 31 doanh nghiệp tham gia sản xuất phụ tùng), ngoài ra có khoảng gần 500 cơ sở sản xuất phụ tùng khác . Đến năm 2004, Việt Nam có khoảng 230 doanh nghiệp đang sản xuất linh kiện phụ tùng cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp xe máy, trong đó có hơn 80 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã tự cung cấp được từ 40-70% nhu cầu phụ tùng lắp ráp xe máy trong nước . Phấn đấu đến năm 2010 có thể cung cấp 80-90% nhu cầu phụ tùng lắp ráp xe máy.
2.2. Thực trạng công nghiệp phụ trợ ngành ô tô
Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay Việt Nam có khoảng 70 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Số doanh nghiệp này thực sự còn quá mỏng quy mô còn nhỏ và thậm chí năng lực còn rất yếu.
Theo Bộ Công nghiệp, công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô tại Việt Nam là ngành mới nổi nên khó khăn còn nhiều, đặc biệt là trong xu thế hội nhập và cạnh tranh hiện nay. Trong hơn 10 năm qua, Nhà nước đã có chủ trương bảo hộ cho các liên doanh sản xuất ô tô, những hãng đưa ra cam kết ban đầu là sẽ nội địa hóa 30 - 40% sau khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, công nghiệp ô tô đạt được tỷ lệ nội địa hóa thấp nhất trong các ngành, trung bình từ 5 -10%. Chỉ có một vài doanh nghiệp đạt tỷ lệ nội địa hóa là 20%.
Cũng do linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước khan hiếm nên hầu hết các linh kiện, phụ tùng Việt Nam đang sử dụng phải nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…Mặc dù nhập khẩu như vậy nhưng không phải điều kiện nhập hàng và chất lượng lúc nào cũng đồng đều và thuận lợi. Các hãng xe như Toyota, Ford, Mazda…có nhà máy tại Việt Nam thời gian qua phải nhập khẩu phụ tùng ở nước ngoài về phục vụ cho lắp ráp cho các nhà máy ô tô của họ. Hãng nào nhập ít cũng phải từ vài trăm triệu USD mỗi năm. Ví dụ như hãng Toyota, năm 2002 đã nhập khẩu linh kiện trị giá 150 triệu USD, năm 2005 nhập đến 460 triệu; hãng Mazda cũng nhập gía trị linh kiện lên tới 280 triệu USD.
Trong khi các doanh nghiệp lắp ráp phải đi nhập linh kiện từ nước ngoài về thì việc sản xuất linh kiện phụ tùng trong nước lại dậm chân tại chỗ. Doanh thu cả năm chưa bằng một số lẻ của các hãng nhập về, cụ thể là năm 2005 doanh thu từ sản xuất linh kiện chỉ đạt tới 2,3 triệu USD
Như vậy, sau khi xem xét thực trạng phát triển chung của các ngành CNPT và đi sâu vào phân tích hai ngành tiêu biểu, những vấn đề còn tồn tại của nền CNPT Việt Nam có thể tóm lược như sau:
Thứ nhất, các khó khăn về quy mô cầu: Thị trường Việt Nam cho các nhà lắp ráp, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô còn khá nhỏ
Thứ hai, khoảng cách chất lượng giữa các công ty cung cấp trong nước và yêu cầu của các nhà lắp ráp FDI còn khá lớn
Thứ ba, tình trạng thiếu kênh thông tin: sợi dây liên kết giữa các công ty cung cấp trong nước và các nhà lắp ráp còn khá lỏng lẻo, thiếu một cơ sở dữ liệu về các nhà cung cấp nội địa để các doanh nghiệp lắp ráp tìm kiếm.
Thứ tư, máy móc của các doanh nghiệp cung cấp nội địa còn lạc hậu, chưa đáp ứng được những đòi hỏi về tiêu chuẩn công nghệ đối với ngành CNPT
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi thế của Việt Nam trong việc phát triển các ngành CNPT trong tương lai. Có thể tóm lược như sau:
Thứ nhất, giá nhân công rẻ. Đây là một trong những lợi thế để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đồng thời cũng là một yếu tố để giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này
Thứ hai, lao động có tay nghề khéo. Đây là một nhân tố vô cùng quan trọng để xây dựng và phát triển ngành CNPT. Như đã phân tích ở trên, nguồn nhân lực có trình độ cao thậm chí còn được coi có ưu thế hơn so với máy móc hiện đại.
Bản Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn 2020 được bộ kế hoạch phê duyệt năm 2007 sẽ là tiền đề và định hướng phát triển cho ngành CNPT.
Phân tích thực trạng CNPT là nhằm tìm ra nguyên nhân của sự yếu kém mà ngành CNPT đang gặp phải, để từ đó đưa ra những giải pháp tối ưu nhất nhằm xây dựng và phát triển CNPT Việt Nam lên một tầm cao mới.
III/ Giải pháp phát triển
1. Soạn thảo các chính sách phát triển CNPT phù hợp
Để thực hiện mục tiêu xây dựng một khuôn khổ chính sách phù hợp, việc đầu tiên cần làm là phải làm rõ định nghĩa mang tính pháp lý về CNPT. Tiếp đến, chính sách thúc đẩy các ngành CNPT, bao gồm các ưu đãi về thuế, các biện pháp hỗ trợ kinh doanh..vv., cần được xây dựng trên cơ sở không phân biệt các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài
Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ tìm kiếm, điều tiết thị trường, tạo mặt bằng, nhà xưởng cho thuê để sản xuất kinh doanh đối với các công ty, tập đoàn nước ngoài, cũng như các doanh nghiệp nội địa để phát triển công nghiệp hỗ trợ.
2. Đào tạo nguồn nhân lực
Một điều hết sức hiển nhiên là nguồn nhân lực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các ngành CNPT. Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động lớn nhưng lại thiếu lực lượng kỹ sư có trình độ. Bản Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đã đưa ra các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực như sau:
Tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật các ngành thiết kế (bao gồm cả thiết kế mẫu mốt, thời trang, kiểu dáng công nghiệp), chế tạo máy, luyện kim, điều khiển tự động, điện tử tin học để làm chủ các công nghệ được chuyển giao, nghiên cứu thiết kế tạo ra công nghệ nguồn và kiểu dáng sản phẩm riêng của Việt Nam.
Thu hút sự hỗ trợ của Chính phủ các nước phát triển như Nhật Bản, EU…để đào tạo nguồn nhân lực cho CNPT. Đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp FDI tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực.
3. Xây dựng cơ chế quản lý chất lượng hàng hoá
Trong các giải pháp về khoa học - công nghệ được đề xuất trong bản Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn 2020, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm là giải pháp hàng đầu. Theo đó, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế làm căn cứ cho việc định hướng phát triển; hỗ trợ phát triển và nâng cấp các tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm hỗ trợ thuộc nhiều thành phần kinh tế đạt trình độ quốc tế; giành đủ kinh phí cho các Bộ, ngành triển khai xây dựng các tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn cơ sở liên quan tới các sản phẩm hỗ trợ.
Ngoài ra, khuyến khích các Viện nghiên cứu chuyên ngành cơ khí, công nghệ…triển khai nghiên cứu, thực nghiệm các đề tài, dự án gắn với nhu cầu phát triển sản xuất các chủng loại vật liệu, chi tiết, linh phụ kiện, phụ tùng…
4. Xây dựng cơ sở dữ liệu CNPT
Hiện nay, tình trạng thiếu thông tin giữa các nhà lắp ráp FDI và các doanh nghiệp cung cấp linh phụ kiện nội địa diễn ra rất phổ biến. Do vậy, cơ sở dữ liệu về CNPT là rất cần thiết để giảm tình trạng thiếu thông tin và mở rộng giao dịch giữa nhà lắp ráp FDI và nhà cung cấp trong nước. Trên thực tế, vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo nhiều xong cho đến nay hệ thống cơ sở dữ liệu vẫn chưa được thực hiện. Cơ sở dữ liệu về CNPT này phải khác với danh bạ doanh nghiệp. Trên thực tế, Việt Nam đã có một số danh bạ doanh nghiệp theo kiểu trang vàng như Trang vàng Việt Nam (dữ liệu của 60.000 doanh nghiệp), danh bạ doanh nghiệp Việt Nam của VCCI ( dữ liệu của 20.000 doanh nghiệp), các danh bạ của các hiệp hội ngành nghề; tuy nhiên, đặc điểm chung là chỉ có tên công ty, sản phẩm chính và địa chỉ liên lạc. Vấn đề ở đây là các nhà lắp ráp FDI cần thông tin cụ thể hơn về các nhà cung cấp tiềm năng cao để giảm chi phí tìm kiếm đồng thời lựa chọn được đối tác đáng tin cậy.
Lê Thị Thủy – Chuyên viên tư vấn Investconsult Group